Chiếc FPT HD đã được bán ra thị trường khá lâu, từ cuối tháng 11 năm ngoái với giá ban đầu là 3,7 triệu đồng và hiện giảm còn 3,2 triệu đồng. Sau sản phẩm này, FPT đã tung ra ba điện thoại Android giá rẻ khác cũng sử dụng vi xử lý Qualcomm là chiếc FPT HD II, FPT IV và FPT V. Tuy vậy, FPT HD vẫn là smartphone gây được sự chú ý với những người quan tâm đến điện thoại Android giá rẻ. Máy có màn hình lớn 4.5 inch với độ phân giải khá cao (960 x 540 pixel) và đặc biệt là được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon S4 lõi kép của Qualcomm chứ không phải là vi xử lý MediaTek như hầu hết các smartphone giá rẻ khác.
Chúng tôi đã có bài đánh giá chi tiết về hiệu năng hoạt động của sản phẩm này. Để giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đã tiến hành "mổ" chiếc FPT HD để đánh giá chất lượng thiết kế, lắp ráp cũng như các linh kiện bên trong điện thoại.
VnReview đã "mổ" một số smartphone và máy tính bảng giá rẻ nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành "mổ" một sản phẩm của FPT. Quá trình tháo lắp chiếc FPT HD tốn khá nhiều thời gian, khoảng 2 tiếng do máy sử dụng nhiều keo dính giữa các thành phần và bo mạch được trang bị nhiều tấm bảo vệ chống nhiễu EMI.
Thiết kế và lắp ráp
Từ kết quả mổ, chúng tôi nhận thấy chiếc FPT HD có chất lượng sản xuất nhỉnh hơn một chút so với hai điện thoại HKPhone cũ (ra mắt cách đây 1 và 2 năm) đã được VnReview mổ xẻ. Máy được lắp ráp chắc chắn, khung máy làm bằng kim loại và các thành phần trên bo mạch được bảo vệ cẩn thận bởi nhiều tấm bảo vệ chống nhiễu điện từ (EMI Shield).
Thiết kế mạch bên trong điện thoại gọn gàng, không có hiện tượng "câu dây" giống như chiếc HKPhone X8-3G chúng tôi đã mổ từ đầu năm ngoái. Tuy vậy, phần thiết kế bảng mạch của điện thoại cũng không có gì đặc biệt. FPT HD là điện thoại dày và to bản nên không đòi hỏi nhà sản xuất phải tối ưu gì trong thiết kế bo mạch. Điều này cũng góp phần làm cho việc sản xuất đơn giản hơn, qua đó giúp tiết kiệm chút ít chi phí.
Bo mạch được bảo vệ kỹ bằng nhiều tấm chống nhiễu (EMI Shield)
Việc tháo các tấm khung bảo vệ cần dùng máy khò nóng
và vít nhọn để tháo các chân của tấm bảo vệ ra khỏi bo mạch
Mặt trước của bo mạch sau khi tháo các tấm bảo vệ chống nhiễu điện từ
Mặt sau của bo mạch
Tương tự như các máy giá rẻ khác, FPT HD cũng được nhà sản xuất lắp ráp dựa trên định hướng tối giản chi phí. Một số đầu nối giữa các thành phần linh kiện với với bo mạch như dây nối microphone, nút nguồn và nút điều chỉnh âm lượng được hàn thẳng vào bo mạch chứ không dùng các đầu nối (connector). Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhưng sẽ gây khó khăn cho việc tháo lắp và sửa chữa. Hai khối camera cũng được dán thủ công vào khung máy, không có cữ để định vị giống như cách sản xuất các hãng có tên tuổi.
Dây nối microphone được hàn thẳng vào bo mạch, không dùng connector
Về vật liệu, máy sử dụng khung kim loại dày, chắc chắn nhưng được gia công trông khá thô. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy bao bì của sản phẩm ghi trọng lượng của máy chỉ có 115g bởi thực tế, máy nặng gần 150g gồm cả pin.
Linh kiện bên trong
FPT HD thu hút được sự chú ý nhờ máy giá rẻ lại sử dụng vi xử lý Qualcomm lõi kép 1.2 GHz và có màn hình lớn tới 4.5 inch. Sau khi mổ, ban đầu chúng tôi cũng khá bất ngờ bởi máy tích hợp nhiều thành phần linh kiện từ các hãng tên tuổi như RAM và bộ nhớ trong của Hynix, chip 3 trong 1 (Wi-Fi, FM và Bluetooth) của Broadcom. Cùng với bộ vi xử lý tích hợp, Qualcomm cũng cung cấp một số linh kiện khác cho điện thoại này như chip quản lý năng lượng, khuyếch đại âm thanh, chip GSM/WCDMA (đảm nhận chức năng gọi điện) và GPS.
Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ lưỡng, chúng tôi nhận thấy chất lượng linh kiện của máy cũng phù hợp với mức giá của máy trên thị trường. Các thành phần chiếm nhiều chi phí như vi xử lý, RAM, màn hình và camera đều là sản phẩm thấp cấp, dung lượng nhỏ hoặc là sản phẩm của hãng không có thương hiệu.
Hệ thống vi xử lý tích hợp (SoC – System on Chip): SoC trên chiếc FPT HD là sản phẩm của Qualcomm có tên mã là MSM8225. Đây là SoC thuộc dòng Snapdragon S4 thế hệ mới của Qualcomm. Dòng Snapdragon S4 có 4 loại với hiệu năng tăng dần gồm Play, Pro, Plus và Prime. SoC của FPT HD là loại Play có hiệu năng thấp nhất trong dòng này. Nó gồm hai nhân vi xử lý lõi kép Cortex-A5 xung nhịp tối đa 1.2 GHz, nhân đồ họa Adreno 230 và được tích hợp chip xử lý 3G.
SoC này cũng là loại duy nhất trong dòng S4 được sản xuất trên quy trình 45nm, không phải là quy trình 28nm như các loại còn lại. Đây là loại SoC được Qualcomm thiết kế để dùng cho các sản phẩm giá rẻ cạnh tranh với MediaTek, thương hiệu xuất hiện trong rất nhiều smartphone Android do các công ty Trung Quốc sản xuất.
Vi xử lý Qualcomm tích hợp 3 thành phần là CPU lõi kép, nhân đồ họa và chip 3G
Bộ phận màn hình: Cụm màn hình gồm ba thành phần cơ bản là kính bảo vệ, tấm màn hình LCD và lớp cảm ứng điện dung. Cả ba thành phần này của chiếc FPT HD đều không để lại dấu hiệu rõ ràng nào để xác định được nguồn gốc xuất xứ. Khi chúng tôi tìm theo các thông số lưu lại trên màn hình, chỉ tìm thấy tấm màn hình LCD này được bán trên trang thương mại trực tuyến của Trung Quốc (phổ biến là trên trang Taobao) với giá 50-60 nhân dân tệ, tương đương 170-200.000 đồng.
Trên toàn bộ bộ phận màn hình, chúng tôi chỉ nhận thấy có một thành phần có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là chip điều khiển mạch cảm ứng điện dung (Capacitive Touch IC) của hãng Focaltech, công ty Trung Quốc chuyên cung cấp cho các nhà sản xuất smartphone giá rẻ như Coolpad, K-Touch và Lenovo.
Màn hình được dán vào khung máy bằng keo hai mặt. Khi tháo, chúng tôi phải nung nóng màn hình ở nhiệt độ 60 độ c để cho keo chảy ra
Tấm màn hình được gắn với khung máy bằng keo hai mặt xung quanh các mép
Tìm theo các thông tin ghi trên màn hình chỉ thấy bán trên các trang thương mại của Trung Quốc, cung cấp cho các nhà sản xuất smartphone giá rẻ
Từ trái qua phải: tấm màn hình, kính bảo vệ và khung máy. Ở FPT HD, tấm cảm ứng điện dung được tích hợp trực tiếp lên tấm kính bảo vệ.
Chip điều khiển mạch cảm ứng (Capacitive Touch IC) là thành phần duy nhất trên màn hình thể hiện rõ xuất xứ. Đây là sản phẩm của Focaltech, công ty Trung Quốc chuyên cung cấp cho các nhà sản xuất smartphone giá rẻ như Coolpad, K-Touch và Lenovo.
RAM 512MB và bộ nhớ trong 4GB. Cả hai thành phần này được tích hợp bên trong con chip của hãng SK Hynix. Đây là hãng có tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất RAM và bộ nhớ trong đến từ Hàn Quốc. Tuy vậy, RAM trên chiếc FPT HD lại là dòng cũ LPDDR, chứ không phải là dòng LPDDR2 được dùng phổ biến hiện nay.
RAM 512MB và bộ nhớ trong 4GB tích hợp chung trong con chip của Hynix
Camera: FPT HD có camera chính phía sau độ phân giải 5MP và camera phía trước độ phân giải VGA. Cả hai cụm camera này đều là sản phẩm của công ty Truly của Trung Quốc, thường được dùng trong các dòng máy giá rẻ. Smartphone đắt giá hiện nay thường dùng cụm camera của Sharp, LG Innotek, STM hoặc SEMCO.
Camera trước và sau của công ty Trung Quốc Truly
Wi-Fi, Bluetooth và FM. Cả ba thành phần này được tích hợp bên trong con chip của Broadcom, là hàng danh tiếng trong lĩnh vực này.
Các linh kiện khác: Ngoài bộ vi xử lý tích hợp, Qualcomm cũng cung cấp một số thành phần khác trong chiếc FPT HD, gồm bộ phận quản lý năng lượng và khuyếch đại âm thanh tích hợp bên trong cụm chip tên mã PM8029, bộ phận thực hiện chức năng gọi điện (GSM/WCDMA) và định vị vệ tinh GPS bên trong cụm chip RTR6285a. Việc tích hợp các chức năng cùng nhau trên một cụm chip cũng là cách tiết giảm chi phí.
Bộ phận quản lý năng lượng và khuyếch đại âm thanh tích hợp của Qualcomm
Cụm chip tích hợp GSM/WCDMA (thực hiện chức năng gọi điện) và định vị vệ tinh GPS cũng của Qualcomm
Pin của FPT HD có dung lượng 1800 mAh
Kết luận
FPT HD là smartphone giá rẻ có chất lượng lắp ráp khá chắc chắn nhưng khó tháo lắp và sửa chữa. Kết quả mổ cho thấy máy được sản xuất theo định hướng giá rẻ, quá trình lắp ráp tiết kiệm các đầu nối (connector) cần thiết để cắt giảm chi phí và sử dụng vật liệu giá rẻ (nhựa thường và khung máy bằng kim loại gia công thô).
Định hướng giá rẻ cũng thể hiện rõ rệt trong quá trình lựa chọn nguồn cung ứng linh kiện bên trong máy. Các thành phần quan trọng của điện thoại là sản phẩm nhắm đến phân khúc giá rẻ (vi xử lý), công nghệ cũ (RAM), nhà cung cấp ít tên tuổi (màn hình, camera) hoặc tích hợp nhiều thành phần cùng nhau để giảm chi phí.
Tuy vậy, với mức giá hiện chỉ còn 3,2 triệu đồng, rõ ràng nhà sản xuất không thể đưa vào điện thoại những linh kiện chất lượng từ các nhà cung cấp có tên tuổi được. Hay nói cách khác, đây là định hướng của các nhà sản xuất smartphone giá rẻ.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về smartphone giá rẻ trong các bài viết "Tại sao smartphone Trung Quốc cấu hinh cao, giá siêu rẻ?"
Toàn bộ linh kiện của FPT HD
BBT VnReview
0 nhận xét:
Đăng nhận xét