Xiaomi là công ty điện tử non trẻ có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung quốc. Công ty bắt đầu bán chiếc điện thoại đầu tiên chạy một phiên bản Android được chỉnh sửa vào năm 2011. Số lượng điện thoại lên đến 300 nghìn chiếc đầu tiên, được đặt tên là Xiaomi Mi 1, được bán hết ngay trên trang web của công ty trong vòng 34 giờ.
Tính đến tháng 7 năm 2014, hãng điện thoại Xiaomi đã bán được 57 triệu điện thoại tại Trung quốc và các thị trường mới nổi như Malaysia, Đài Loan, Ấn độ. Xiaomi đã vượt Samsung về số lượng điện thoại thông minh bán ra ở Trung Quốc theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường firm Canalys. Chúng ta cùng điểm lại 5 chiến lược làm nên thành công của Xiaomi.
Xây hệ điều hành, hệ sinh thái trước phần cứng
Xiaomi chọn chiến lược xây dựng xây dựng một hệ sinh thái Android trước cả khi phần cứng ra đời. Phiên bản hệ điều hành Android phát triển riêng được đặt tên là MIUI là phiên bản Android tách riêng từ Android gốc của Google, gọi tắt là Android Mod, là phiên phản được đánh giá cao chỉ sau bản Mod quốc tế là CynogenMod.
Tại Trung quốc, MIUI trở thành bản Mod tiếng Trung được ưa chuộng nhất chạy ổn định trên các điên thoại Android của Google, Samsung và các nhà sản xuất khác. Phần lớn người dùng MIUI là những người đam mêm công nghệ, trẻ tuổi, muốn trải nghiệm điện thoại thông minh có nhiều tùy chọn như hình nền, âm thanh mà hệ điều hành gốc Android của Google hạn chế.
Qua MIUI, Xiaomi cung cấp các dịch vụ đám mây, hệ sinh thái ứng dụng (app store) thay thế chức năng của Google. Xiaomi đã xây dựng được hệ sinh thái với hàng triệu người dùng MIUI trung thành sẵn sàng chuyển sang nhà sản xuất sử dụng hệ sinh thái MIUI
Cấu hình cao, giá cả cạnh tranh trong thế giới Android
Thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nhất thế giới, định vị chiến lược sản phẩm của mình ở thị trường này là hết sức khó khăn. Các hãng điện tử quốc tế lâu đời như Sony, Samsung, LG có các đối tác cung cấp linh kiện hàng đầu như CPU của Qualcomm, màn hình của Sharp, LG, và chọn chiến lược bán giá cao. Các hãng điện tử nội địa như Lenovo, Huawei chọn nhà cung cấp CPU ít tên tuổi hơn như là MediaTek, chọn màn hình từ nhà cung cấp Đài loan, và đánh vào phân khúc giá tầm trung và thấp.
Tuy nhiên Xiaomi ngay từ đầu đã định vị điện thoại thông minh của mình sẽ có các linh kiện của các nhà cung cấp hàng đầu, sử dụng CPU của Qualcomm và màn hình của Sharp. Mẫu điện thoại đầu tiên của Xiaomi ngay lập tức được báo chí quan tâm như một công ty nội địa dám đột phá vào lãnh địa điện thoại cao cấp của các công ty quốc tế và phản hồi tích cực của công chúng mê công nghệ.
Tập trung vào thiết kế
Thiết kế đẹp cũng là một khác biệt giữa sản phẩm của Xiaomi với các công ty điện tử nội địa khác. Trong khi các công ty điện thoại nội địa chỉ tập trung ra các mẫu giá rẻ ở khắp các phân khúc thì Xiaomi tập trung làm một số ít điện thoại có thiết kế đẹp trong phân khúc thị trường mục tiêu. Nhiều nhà phân tích hài hước gọi Xiaomi là Apple của Trung Quốc.
Mô hình bán hàng trực tiếp
Mô hình bán hàng trực tiếp là một điểm độc đáo làm nên sự tăng trưởng thần kỳ của Xiaomi. Xiaomi công bố chính sách giá bán của mình là bán theo giá linh kiện, do đó công ty sẽ bán hàng online thông qua web site của mình. Chiến lược bán hàng giá gốc đã gây ra cơn sốt mua hàng của Xiaomi ở Trung quốc. Người tiêu dùng sẵn sàng đặt hàng qua web, trả tiền trước và đợi nhận hàng sau. Số lượng cung cấp hạn chế cũng tạo nên hiệu ứng truyền miệng giúp đợt bán hàng sau có số lượng lớn hơn đợt trước. Xiaomi tuyên bố công ty không thu lợi nhuận từ bán điện thoại mà thu từ dịch vụ và bán phụ kiện.
Với số lượng hơn 50 triệu điện thoại thông minh được bán ra, có thể nói, hệ sinh thái của Xiaomi có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, sau hệ sinh thái của Apple và Google. Chúng ta thử so sánh mô hình kinh doanh của Xiaomi với các hãng điện tử lớn:
Xiaomi và Apple
Điện thoại của Xiaomi có thiết kế đẹp, và có một số điểm hao hao giống các sản phẩm Apple. Xiaomi từng bị gọi đùa là Apple của Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi nhuận của Apple chủ yếu đến từ bán phần cứng với lợi nhuận biên lên đến gần 50% theo một số nhà phân tích. Trong khi đó, lợi nhuận biên của điện thoại Xiaomi theo dự đoán chỉ khoảng 5%. Như vậy Xiaomi chỉ kỳ vọng số lượng thiết bị bán đủ lớn để phát triển hệ sinh thái MIUI của mình, qua đó thu lợi nhuận qua dịch vụ đám mây và quảng cáo.
Xiaomi và Google
Hệ điều hành MIUI của Xiaomi tách ra khỏi Google, nhờ qui định của hệ sinh thái mã nguồn mở, và dựa trên Linux. Như vậy các dịch vụ đám mây của Google, kể cả hệ sinh thái ứng dụng (App store) của Google cũng không chen chân được vào người dùng MIUI. Người dùng MIUI trở thành khách hàng dịch vụ của Xiaomi. Ở Trung quốc, nơi Google chiếm thị phần nhỏ, MIUI có tiềm năng thay thế các dịch vụ của Google. Tuy nhiên, đối với thị trường nước ngoài, còn quá sớm để khẳng định MIUI của Xiaomi có thể thay thế Google.
Xiaomi và Amazon
Hai công ty đều có điểm chung là bán phần cứng giá thấp và thu tiền ở mảng dịch vụ đám mây. Amazon có doanh thu chủ yếu ở Mỹ và các nước phát triển G7. Qui mô thị trường dịch vụ của Xiaomi ở Trung Quốc và các thị trường mới nối như Ấn độ có lẽ nhỏ hơn rất nhiều so với Amazon.
Xiaomi và Samsung
Samsung có lý do để lo lắng về đối thủ Trung Quốc của mình khi số lượng điện thoại bán ra của Xiaomi quý 2 2014 đã vượt Samsung tại Trung Quốc. Lợi nhuận của Samsung trong quí hai 2014 giảm 20% xuống còn 6,3 nghìn tỷ won (6,1 tỷ đô la) từ 7,7 tỷ won của cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả thấp nhất kể từ quí hai năm 2012. Samsung phụ thuộc hoàn toàn vào Google trong việc cung cấp hệ điều hành và thu lợi nhuận từ việc bán phần cứng.
Dù rất thành công trong phân khúc điện thoại cao cấp ở các nước phát triển, Samsung bị cạnh tranh gay gắt ở mảng điện thoại tầm trung ở các nước đang phát triển. Khi Samsung không nắm hệ sinh thái và lợi nhuận phần cứng thấp sẽ gây khó khăn cho Samsung khi cạnh tranh với các đối thủ như Xiaomi.
Xiaomi vào Việt Nam?
Từ đầu năm 2014, Xiaomi đã thành lập công ty tại Singapore với kế hoạch phát triển tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Xiaomi bắt đầu bán các dòng điện thoại mới nhất của mình tại Singapore và Malaysia. Trong tháng 8, công ty cũng bắt đầu mở trang web bán hàng tiếng Indonexia.
Tuy chưa chính thức vào Việt Nam, điện thoại Xiaomi có thể mua tại một số cửa hàng thông qua kênh nhập khẩu không chính thức. Theo khảo sát, dòng điện thoại Phablet của Xiaomi là Redmi Note được bán khá chạy ở mức giá 5 triệu đồng. Dòng Redmi Note có cấu hình tương đương Samsung Note 2 (đã ngừng sản xuất) hoặc HTC Desire 816 (Giá 7 triệu đồng).
Tại Việt Nam, hầu hết các hãng điện thoại lớn đều đã có mặt như Lenovo, Huawei, ZTE, TCL và gần nhất là Oppo. Oppo tuy vào thị trường Việt Nam khá muộn nhưng đã đầu tư bài bản hệ thống cửa hàng và đại lý. Công ty đã xây dựng được nhận diện thương hiệu khá tốt so với các thương hiệu truyền thống như Lenovo, Huawei. Tuy nhiên, chính sách giá cả chưa cạnh tranh làm người tiêu dùng chưa chọn Oppo như một thương hiệu điện thoại bình dân. Nếu Xiaomi vào thị trường Việt Nam với cùng chính sách cạnh tranh ở quê nhà, Xiaomi sẽ có nhiều khách hàng Việt Nam và xóa được định kiến về chất lượng hàng Trung Quốc không tốt nói chung.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét